Hệ điều hành Windows 365 là gì? Khi Windows có thể chạy trên mọi thiết bị và không chỉ dành riêng cho máy tính

Vào ngày 15/7/2021, Microsoft đã ra mắt hệ điều hành Windows đám mây có tên là Windows 365 (hay còn gọi là Windows 365 Cloud PC) và hệ điều hành này có thể hoạt động trên máy tính bảng hay thậm chí là smartphone. Vậy hệ điều hành Windows 365 là gì? Hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé!

1. Hệ điều hành Windows 365 là gì?

Về cơ bản, Windows 365 (Windows 365 Cloud PC) là một hệ điều hành Windows hoàn chỉnh nhưng có thể chạy trên trình duyệt web của bất kỳ thiết bị nào. Bạn có thể chạy Windows 365 trên laptop, smartphone hoặc máy tính bảng. Ngay cả một thiết bị rất cũ với phần cứng lỗi thời vẫn có thể chạy được Windows 365 nhưng miễn là phải có kết nối internet ổn định. Hệ điều hành này sẽ chính thức cập bến vào ngày 2/8/2021.

Với Windows 365, bạn có thể chạy trên trình duyệt web với bất kỳ thiết bị nào. Nguồn: ZDnet.

Ngoài ra, Cloud PC chính là phần tiếp theo trong hành trình của Microsoft nhằm đưa các sản phẩm và dịch vụ của mình lên đám mây, từ Windows Server trên Azure đến Office như một phần của Microsoft 365. Cùng với Microsoft Teams và Microsoft 365, Windows 365 sẽ kích hoạt nơi làm việc kỹ thuật số và cung cấp cho các tổ chức, cơ quan một môi trường linh hoạt để giải quyết các nhu cầu thay đổi của lực lượng lao động trong khi thiết lập công việc kết hợp.

Windows 365 còn được gọi là ‘máy tính đám mây’. Nguồn: Remonews.

Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella cho biết thêm: “Với Windows 365, chúng tôi đang làm cho Windows không chỉ khả dụng trên các thiết bị Windows mà còn bất kỳ thiết bị nào, khai thác sức mạnh của đám mây”. Microsoft đã gọi danh mục mới này là ‘Máy tính đám mây’, một dịch vụ cho phép người dùng truy cập vào môi trường làm việc của họ thông qua trình duyệt web.

Windows 365 sẽ mang đến một phương thức làm việc nhanh chóng và dễ dàng hơn. Nguồn: PCMag.

Microsoft đang định hình Windows 365 như một phương thức mới để làm việc trong môi trường phân tán, giúp nhân viên văn phòng có thể làm việc ở mọi nơi. Bên cạnh đó, người dùng các hệ thống như vậy cũng có thể tùy chỉnh trải nghiệm đám mây của họ bằng cách chọn cấu hình phần cứng và phần mềm của riêng họ.

2. Windows 365 hoạt động như thế nào?

Đúng như tên gọi Windows 365 Cloud PC, hệ điều hành này sẽ không chạy trực tiếp trên thiết bị mà hoạt động theo cơ chế ‘điện toán đám mây’ tương tự như các dịch vụ chơi game hiện nay như Google Stadia hay Xbox Cloud Gaming. Tuy nhiên, thay vì kết nối với máy chủ để chơi game thì người dùng kết nối với máy chủ để sử dụng hệ điều hành Windows ảo.

Windows 365 hoạt động theo cơ chế điện toán đám mây. Nguồn: Todayin24h.

Mình sẽ nói một chút về công nghệ điện toán đám mây cho các bạn dễ hình dung. Đây là mô hình điện toán sử dụng công nghệ máy tính và phát triển dựa vào mạng internet. Thuật ngữ ‘đám mây’ ở đây là lối nói ẩn dụ chỉ mạng internet và sự liên tưởng về độ phức tạp của các cơ sở hạ tầng chứa bên trong.

Sự phát triển của Windows 365 sẽ phụ thuộc vào mạng internet. Nguồn: ITP. Net.

Ở mô hình điện toán này, mọi khả năng liên quan đến công nghệ thông tin đều được cung cấp dưới dạng các dịch vụ. Điều này cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ một nhà cung cấp nào đó trong đám mây mà không cần phải có các kiến thức, kinh nghiệm hoặc thậm chí là không cần quan tâm đến các cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ đó.

Windows 365 được xây dựng trên Azure Virtual Desktop. Nguồn: Beebom.

Theo như thông tin từ Microsoft, Windows 365 được xây dựng trên Azure Virtual Desktop, giúp đơn giản hóa trải nghiệm ảo và loại bỏ sự phức tạp của việc triển khai VDI (Virtual Desktop Infrastructure) truyền thống. Ảo hóa thường có thể khó khăn để thiết lập và duy trì, đặc biệt là đối với các tổ chức không có tài nguyên công nghệ thông tin chuyên dụng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn (có yêu cầu khả năng tùy chỉnh và linh hoạt cao hơn) vẫn có thể tiếp tục chọn Azure Virtual Desktop để hiện đại hóa VDI của họ trên đám mây.

3. Ưu điểm và nhược điểm của hệ điều hành Windows 365

  • Ưu điểm

Mình nghĩ ưu điểm đầu tiên của Windows 365 đó chính là cung cấp trải nghiệm Windows nhất quán hơn, bất kể thiết bị hay hệ điều hành nào (Windows, Mac, Linux, iOS hay Android). Chưa kể, Windows 365 còn hỗ trợ các ứng dụng văn phòng khá hữu dụng như Microsoft 365, Dynamics 365, Power Platform và các ứng dụng của bên thứ ba khác. 

Windows 365 cho phép người dùng truyền trực tiếp dữ liệu từ đám mây đến bất kỳ thiết bị nào. Nguồn: ITPNet.

Bên cạnh đó, Windows 365 còn cho phép người dùng truyền trực tuyến tất cả các ứng dụng, công cụ, dữ liệu và cài đặt đã được cá nhân hóa từ đám mây trên bất kỳ thiết bị nào và cho phép người dùng được tiếp tục trải nghiệm ngay tại vị trí đã dừng lại trên thiết bị đã chọn trước đó. Trạng thái của Cloud PC của người dùng vẫn giữ nguyên, ngay cả khi người dùng chuyển đổi thiết bị.

Windows 365 sẽ mang đến nhiều tiện ích cho người dùng. Nguồn: Computerworld.

Chưa kể, Windows 365 còn có nhiều lợi ích khác như chi phí bảo trì thấp, khả năng truy cập từ xa, khả năng chống lại các cuộc tấn công mạng và phần mềm độc hại cao hơn, cung cấp nhanh hơn, giảm đáng kể thời gian ngừng hoạt động đối với lỗi PC, vá lỗi dễ dàng hơn, ít gây gián đoạn hơn, cập nhật và di chuyển từ nhà đến nơi làm việc dễ dàng hơn nhiều. 

  • Nhược điểm 

Vì cơ chế hoạt động dựa trên điện toán đám mây nên Windows 365 sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào mạng internet. Trong trường hợp đường truyền internet của bạn bị chậm thì Windows 365 sẽ cho phản hồi chậm, độ trễ cao và điều này sẽ làm ảnh hưởng khá nhiều đến trải nghiệm người dùng.

Internet sẽ là một lợi thế nhưng cũng là nhược điểm của Windows 365. Nguồn: PCMag.

Bên cạnh đó, việc những chiếc MacBook chạy macOS nhưng lại có thể sử dụng Windows 365 qua trình duyệt web vẫn còn khá mơ hồ. Lý do là vì Apple chắc chắn không để Microsoft làm cho hệ điều hành của hãng trở nên dư thừa. Mình vọng trong thời gian sắp tới, vấn đề trên có thể được thỏa thuận và đưa ra phương án giải quyết tốt nhất.

4. Windows 365 hệ điều hành tương lai đầy triển vọng

Bằng cách xây dựng dựa trên sức mạnh của hệ điều hành Windows và sức mạnh của công nghệ điện toán đám mây, Windows 365 sẽ mang lại cho mọi tổ chức sự an tâm hơn theo ba cách chính: mạnh mẽ, đơn giản và bảo mật. Về mặt kỹ thuật, Windows 365 không khác với vô số tùy chọn ảo hóa có sẵn trên thị trường trong nhiều năm qua, bao gồm Azure Virtual Desktop của Microsoft cũng như các dịch vụ tương tự của Citrix hoặc VMware.

Windows 365 sẽ mang đến những vượt trội về sức mạnh, sự đơn giản và bảo mật. Nguồn: Beebom.

Tuy nhiên, Windows 365 ra mắt với mục đích vượt trội hơn cả về tính dễ sử dụng và quản lý, đồng thời được thiết kế cho nhóm đối tượng với công việc cần sự chủ động và di chuyển thường xuyên. Hệ điều hành này cũng sẽ thu hút các tổ chức muốn khám phá cơ sở hạ tầng ảo hóa nhưng lo ngại về chi phí hoặc sự phức tạp với ít chuyên môn nội bộ.

Windows 365 tạm thời sẽ không hỗ trợ người dùng cá nhân. Nguồn: Techrepublic.

Có một điều đáng tiếc là Windows 365 khi ra mắt sẽ không hỗ trợ người dùng cá nhân. Microsoft sẽ chỉ cung cấp cho các doanh nghiệp và công ty và họ sẽ trả một khoản phí hàng tháng, tùy thuộc vào số lượng nhân viên sử dụng hệ điều hành đám mây này.

Tổng kết

Hy vọng rằng sau khi ra mắt một thời gian, Microsoft sẽ cung cấp hệ điều hành Windows 365 cho cả người dùng cá nhân. Khi đó, mọi thiết bị đều có thể biến thành một chiếc máy tính cực kỳ tiện lợi, giúp chúng ta có thể làm việc và học tập mọi lúc mọi nơi. Không biết các bạn thấy thế nào nhưng mình nghĩ đây chính là động thái làm sống lại hệ điều hành Windows Phone một thời của Microsoft.

Windows 365 sẽ là một hệ điều hành đám mây đầy triển vọng trong tương lai. Nguồn: Microsoft.

Bạn thấy hệ điều hành Windows 365 như thế nào? Hãy để lại bình luận ở bên dưới cho mình được biết nhé, cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi.

Nguồn: Onmsft, itzone. thegoididong

Windows 365
Comments (0)
Add Comment